Kiến thức Răng Hàm Mặt #1: Rối loạn thái dương hàm là gì, điều trị ra sao?
Rối loạn thái dương hàm (Temporomandibular disorders- TMD) là một chứng bệnh tương đối phổ biến trong Răng- hàm- mặt. Nghiên cứu trên sinh viên Đại học Y Zunyi Trung Quốc (2021) cho thấy: Trong số 754 sinh viên được khảo sát, có 31,7% người mắc TMD. Tuy nhiên, hiện nay rối loạn thái dương hàm vẫn còn là một vấn đề mà nhiều bác sĩ Răng- hàm- mặt e ngại.
Rối loạn thái dương hàm được định nghĩa là một nhóm các tình trạng cơ xương khớp và thần kinh cơ liên quan đến khớp thái dương (TMJ), các cơ nhai và tất cả các cấu trúc cơ xương liên quan.
Triệu chứng rối loạn thái dương hàm:
Các triệu chứng của rối loạn thái dương hàm tương đối đa dạng với biểu hiện ở cả cơ và khớp
- Đau cơ: Đây là triệu chứng phổ biến nhất của chứng rối loạn thái dương hàm, thường gặp đau cơ cắn, cơ thái dương, cơ chân bướm ngoài, cơ chân bướm trong và cơ nhị thân, có thể lan xuống cơ ức đòn chũm.
- Rối loạn chức năng cơ: Bao gồm há miệng hạn chế (<40mm) và sai khớp cắn cấp tính.
- Đau khớp: Thường khu trú ở khớp hay trong tai, một bên hoặc cả hai bên. Đau có thể tự phát hoặc xuất phát từ cử động há miệng, đưa hàm sang bên, ấn vào khớp hay nằm nghiêng một bên.
- Rối loạn chức năng khớp: Biểu hiện bằng sự chuyển động gián đoạn của lồi cầu, đĩa khớp và tạo ra tiếng kêu khớp. Tiếng kêu khớp có thể xuất hiện đơn lẻ như tiếng click hay một chuỗi âm thanh lạo xạo ( crepitus). Trong một số trường hợp bệnh nhân có thể bị khóa hàm ngắt quãng.
- Ngoài ra, bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng như ù tai, giảm thính lực, chóng mặt, mệt mỏi…
Nguyên nhân nào gây ra rối loạn thái dương hàm:
Nguyên nhân gây ra chứng rối loạn thái dương hàm rất đa dạng, bao gồm cả yếu tố tại chỗ và toàn thân, tâm lý.
- Yếu tố tại chỗ bao gồm:
+ Rối loạn cắn khớp
+ Nắn chỉnh răng (Nắn chỉnh răng tạo ra mất cân bằng, rối loạn khớp cắn đột ngột)
+ Bất thường xương hàm hay biến dạng lồi cầu
+Các thói quen cận chức năng: nghiến răng, siết chặt răng, nhai kẹo cao su…
+Tư thế cột sống, gù lưng..
+ Chấn thương
- Yếu tố toàn thân, tâm lý: Rối loạn tâm lý có vai trò như chất xúc tác cho rối loạn thái dương hàm, làm tăng co thắt cơ và những sai lệch chức năng.
Chẩn đoán rối loạn thái dương hàm theo tiêu chuẩn nào?
Hiện nay, chẩn đoán rối loạn thái dương hàm theo phân loại DC/TMD 2014 với rối loạn đau, rối loạn khớp và chẩn đoán giai đoạn theo PIPER.
Điều trị rối loạn thái dương hàm như thế nào?
Điều trị khớp thái dương hàm gồm nhiều bước, với sự phối hợp của nhiều phương pháp khác nhau:
Thuốc: Các thuốc được sử dụng rộng rãi nhất để điều trị rối loạn thái dương hàm bao gồm: thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không steroid (NSAID), corticosteroid và thuốc chống trầm cảm liều thấp, ngoài ra có thể dùng thuốc giãn cơ, benzodiazepine.
Vật lý trị liệu: gồm thay đổi tư thế, tập vận động, điện trị liệu kích thích điện cực (EGS), kích thích điện dây thần kinh bằng điện tử (TENS), siêu âm, công nghệ điện chuyển ion, gây tê, botulinum, châm cứu, laser năng lượng thấp
Khí cụ chỉnh hình: Máng nhai, hàm chống nghiến
Điều chỉnh khớp cắn: Đây là phương pháp điều trị xâm lấn, vì vậy không nên là liệu pháp điều trị ban đầu.
Phẫu thuật: được chỉ định khi liệu pháp không phẫu thuật không hiệu quả, đau trung bình đến nặng hoặc rối loạn chức năng gây không cử động được, bao gồm rửa khớp (chọc dò khớp), thủ thuật phẫu thuật kín (nội soi khớp), và thủ thuật phẫu thuật mở (phẫu thuật cắt khớp hoặc tạo hình khớp), thay khớp toàn bộ.
Hy vọng qua bài viết này, các bạn đã hiểu thêm về bệnh lý rối loạn thái dương hàm, triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị !
Hãy theo dõi page để cùng đón chờ các kiến thức răng hàm mặt thú vị bổ ích tiếp theo nhé